Trang ChínhTìm kiếmLatest imagesĐăng kýĐăng NhậpShop

Share
 

 Hòn Đảo Bí Mật ~ Chương 7 - 8 - 9 - 10

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Tác giảThông điệp
Yubj Tran
Học sinh nhà Đất
avatar
Tổng số bài gửi : 808
Join date : 21/04/2013
Hòn Đảo Bí Mật ~ Chương 7 - 8 - 9 - 10 Empty
Bài gửiTiêu đề: Hòn Đảo Bí Mật ~ Chương 7 - 8 - 9 - 10   Hòn Đảo Bí Mật ~ Chương 7 - 8 - 9 - 10 Icon_minitimeThu Apr 25, 2013 6:50 pm

Chương 7
Tác giả: Jules Verne

Thế là những người khai khẩn ở đảo Lincoln đã giành lại được chỗ ở của mình.
Phần cuối ngày họ đã đem các xác vượn vào rừng chôn; sau đấy họ thu dọn lại trật tự trong nhà đã bị các vị khách không mời mà đến làm đảo lộn lung tung, nhưng hầu như không bị phá phách cái gì. Nab dùng các thứ dự trữ trong kho nấu bữa ăn trưa ngon lành.
Jup không bị lãng quên. Chú được ăn ngon lành những vật bá hương, và các loại quả củ. Pencroff cởi dây trói ở tay cho chú, nhưng quyết định không cởi dây trói ở chân cho đến khi tin chắc rằng chú biết nghe lời mọi người.
Trước khi đi ngủ, Cyrus Smith và các bạn của ông ngồi bàn một số kế hoạch cần phải thực hiện nhanh chóng hơn.
Họ thấy việc quan trọng và cấp bách nhất là bắc một cây cầu qua sông Tạ ơn, kế đến là xây dựng một trại nuôi cừu và các giống vật khác mà họ đã quyết định thuần hoá.
Sau khi thực hiện hai kế hoạch đó, những người khai khẩn sẽ giải quyết được vấn đề bức bách nhất là may sắm quần áo.
Cyrus Smith dự định xây dựng trại chăn nuôi gia súc ở cạnh nguồn suối Đỏ, trên núi tha hồ có cỏ tươi non. Con đường giữa cao nguyên Tầm nhìn và nguồn suối Đỏ hầu như đã được hình thành, còn khi nào đóng được chiếc xe kéo hoàn thiện thì việc di chuyển của họ sẽ đỡ vất vả hơn, nhất là nếu họ bắt được con vật nào đó có thể dùng để kéo xe. Nab nhận phần tìm bắt gia súc hoang và thuần hoá nó thành vật nuôi. Để tiện cho việc chăm sóc gia súc của Nab, chuồng nuôi gia súc cần được đặt gần nguồn nước. Họ đã quyết định thử thuần hoá một cặp chim gấu đuôi gồm một con trống và một con mái mới bắt được trong một chuyến đi thám hiểm gần đây. Kỹ sư cũng làm chuồng để nuôi bồ câu rừng.
Sáng ngày 3 tháng mười một. Tất cả những người khai khẩn đều phải tham gia vào công việc quan trọng là xây dựng chiếc cầu qua sông Tạ ơn. Từ Lâu đài Đá hoa cương tới cảng Khí cầu chỉ có ba dặm rưỡi, giữa hai điểm ấy làm một đường cho xe kéo đi chẳng khó khăn gì.
Công việc tất nhiên là phức tạp, sông ở đây rộng tám mươi bộ. Ở phần cần cố định họ phải đóng cọc, các nhà xây dựng đã dùng cọc để làm móng cầu, do đó cầu có thể chịu được trọng tải lớn.
May sao, họ không thiếu thứ gì, kể cả dụng cụ, lẫn đinh và óc sáng tạo. Viên kỹ sư am hiểu công việc, còn các bạn của ông sau báy tháng qua cũng tiếp thu được nhiều kỹ năng lao động và bây giờ đã giúp đỡ ông một cách sốt sắng có hiệu quả.
Vừa làm Cyrus Smith vừa trao đổi với các bạn về một kế hoạch mà ông đã nghĩ tới từ lâu. Thực hiện kế hoạch đó rất dễ và nó sẽ đem lại lợi ích lớn lao cho cả vùng di dân. Kế hoạch đó là ngăn cách cao nguyên Tầm nhìn với thế giới bên ngoài, bảo đảm cho nó được an toàn, tránh được sự tấn công của kẻ thù bốn chân trên đảo. Như vậy, Lâu đài Đá hoa cương, Hang ngụ cư, sân nuôi gia cầm và toàn bộ phần trên của cao nguyên dự tính dùng để gieo trồng đều được bảo vệ khỏi những kẻ phá hoại đột nhập.
Cao nguyên đễ được ngăn cách sẵn từ ba phía bởi hồ nước và một con sông nhân tạo và một con sông tự nhiên.
Ở phía Tây Bắc, hồ Grant trải rộng mênh mông, bờ hồ đi từ vịnh nhỏ, chỗ đường thoát nước cũ, tới nơi được phá bằng mìn ở bờ phía Đông.
Từ chỗ được phá này, ở phía Bắc của cao nguyên đã hình thành một thác nước đổ xuống biển. Dòng nước tiếp tục chảy theo sườn núi và bờ cát. Chỉ cần đào sâu dòng suối nhân tạo này trên suốt đường chảy của nó là họ sẽ có một đường ngăn thú dữ.
Dọc theo suốt mé đông cao nguyên từ con suối dẫn lên đến cửa sông Tạ ơn đã có biển bảo vệ.
Cuối cùng, phía nam cao nguyên được án ngữ bởi hạ nguồn sông Tạ ơn, từ cửa sông tới chỗ uốn khúc, nơi những người khai khẩn đảo đang định bắc cầu.
Như vậy là chỉ còn lại có mé tây cao nguyên, giữa chỗ sông uốn khúc và bờ hồ phía Nam, đoạn này dài chừng một dặm, trống trải, có nguy cơ bị bất kì cuộc xâm nhập nào. Những người khai khẩn đảo đào một cái hào rộng và sâu, dẫn nước hồ vào, làm một đường thoát nước thứ hai, nhưng lần này thì thoát ra phía sông Tạ ơn. Tất nhiên, mực nước trong hồ sẽ vì vậy mà hạ thấp xuống, nhưng Cyrus Smith đã trù tính rằng con suối Đỏ sẽ cung cấp đủ lượng nước để thực hiện ý định của ông.
Cyrus Smith đã vẽ bản đồ cao nguyên để giải thích rõ hơn tất cả những điều ông phác hoạ trong đầu cho các bạn của mình nghe, và họ hiểu ngay ý đồ của ông, họ nhất trí tán thành kế hoạch ấy.
Suốt ba tuần liền, họ miệt mài thậm chí ăn cơm trưa ở ngay nơi làm việc. Thời tiết tốt nên chỉ đến bữa tối họ mới quay về.
Ngày 20 tháng mười một, họ hoàn thành việc xây dựng cầu.
- Đã đến lúc chuẩn bị gieo lúa mì vụ hai! – một hôm chàng thuỷ thủ kêu to với một vẻ quan trọng.
Tháng mười hai rất oi bức, nhưng mọi công việc vẫn được tiến hành theo kế hoạch. Mọi người đã nhắc đến việc đi chở vỏ khí cầu về. Chiếc xe ba gác đã được đóng sửa lại nên thuận tiện hơn và nhẹ nhàng hơn. Nhưng cần phải tìm ra sức kéo mới được.
Ngày 23 tháng mười hai, những người khai khẩn đang làm việc ở Hang ngụ cư, bỗng nhiên thấy vang lên những tiếng kêu la của Nab và tiếng sủa vang của Top. Mọi người chạy lại phía có tiếng kêu, sợ có tai nạn gì xảy ra.
Họ đã nhìn thấy hai con vật tuyệt đẹp lạc vào cao nguyên, – những chiếc cầu nhỏ đã được hạ xuống. Các con vật ấy, một con đực và một con cái giống những con la, lông màu hung nhạt, đuôi và chân màu trắng, còn đầu, cổ, mình sọc đen như ngựa vằn. Chúng thản nhiên bước lại gần, chẳng hề sợ hãi gì, và nhìn những người mà chúng chưa thừa nhận là chủ bằng những con mắt thông minh hiền hậu.
- Đúng, đây là những con la rừng! – Harbert kêu lên – Chúng thuộc loại súc vật được phối giống giữa ngựa vằn va lừa.
Chàng thuỷ thủ núp trong cỏ bò tới để khỏi làm những con vật hoảng hốt. Đến cây cầu nhỏ bắc qua suối Glixerin anh nâng đầu cầu lên, những con la rừng đã bị bắt làm “tù binh” một cách dễ dàng.
Mấy ngày đầu chúng vẫn được tự do gặm cỏ để quen dần. Sau đấy, những người chủ đã đóng chuồng và nhử chúng vào ở. Chẳng mấy chốc Pencroff đã thuần hoá được hai con vật. Chúng tự đến với họ. Chúng để cho mọi người đến gần, nhưng hễ thắng vào xe là chúng lồng lên. Tuy vậy, chẳng bao lâu sau, những con vật cũng chịu tuân phục số phận.
… Và đã đến ngày tất cả những người ngụ cư, trừ Pencroff đi trước dắt la, đều lên xe và đi ra cảng Khí cầu. Chiếc xe vẫn đi đến nơi một cách bình yên vô sự, và ngay hôm ấy những người khai khẩn đã chất vỏ và các bộ phận khác của khí cầu lên xe chở về. Tám giờ tối, họ dừng xe trước Lâu đài Đá hoa cương.*
* * Cả tuần thứ nhất của tháng giêng, những người ngụ cư dành thời gian để may áo quần cần thiết.
Chỉ thì không thiếu: Cyrus Smith đã đề nghị tận dụng chỉ tháo ở vỏ khí cầu ra.
Vải khí cầu đã được họ khử bỏ chất dầu bằng xút và bồ tạt điều chế từ tro. Sau khi khử, vải trở nên mềm mại và co giãn bình thường. Đem phơi nắng, nó bay màu và trắng ra. Cũng vào thời gian ấy, họ đã tự khâu lấy giày bằng da hải báo. Sáng kiến này rất đúng lúc, vì giày và ủng họ mang từ Mỹ đều đã rách nát cả. Đã sang năm 1866, thời tiết oi bức chưa bớt đi, nhưng việc săn bắn trong rừng vẫn được tiếp tục.
Cyrus Smith khuyên mọi người tiết kiệm đạn dược và đề ra một số biện pháp thay số thuốc súng và đạn tìm được trong hòm. Viên kỹ sư có thể làm được thuốc súng lắm, bởi vì ông đã có sẵn diêm tiêu, lưu huỳnh, than, những việc chế biến đòi hỏi hết sức cẩn thận, và không có các thiết bị đặc biệt khó làm được thuốc súng có chất lượng tốt.
Bởi vậy, Cyrus Smith ưa sản xuất thuốc súng bông hơn, tức là chất nổ thông thường làm bằng sợi bông. Tuy nhiên có thể không cần bông cũng được, bởi vì thực chất chỉ cần dùng chất xenlulo, mà xenlulo thì có rất nhiều trong các loại thực vật.
Còn một chất khác cần cho việc điều chế thuốc súng bông là axit nitric bốc khói. Cyrus Smith đã có axit sunfuric nên ông có thể dễ dàng thu được axit nitric bằng cách dùng axit sunfuric để xử lí diêm tiêu sẵn có trong thiên nhiên. Để được thuôc súng bông chỉ cần nhúng xenlulo vào axit nitric bốc khói trong một phần tư giờ, sau đó đem ra rửa và phơi khô.
Vào thời điểm ấy, những người ngụ cư đã vỡ hoang được ba acre đất trên cao nguyên Tầm nhìn, số đất còn lại họ dành làm các bãi chăn nuôi dê rừng. Đã mấy lần những người khai khẩn vào rừng lấy giống một số rau mọc hoang như diếp, củ cải, khoai tây… về trồng. Chẳng bao lâu, với sự chăm sóc khéo léo, các loại rau đều trở nên tốt tươi.
Các chuồng trại bây giờ đã được xây dựng vững chắc bằng ván, và những người ngụ cư bắt đầu những cuộc vây bắt những con vật nhai lại ở chân núi Franklin, trên các bãi cỏ. Không còn nghi ngờ gì nữa, đàn gia súc này sẽ ngày càng đông lên, bảo đảm thoả mãn lông và da cho những người khai khẩn. *
* * Ngay tuần lễ đầu tiên của tháng ba thời tiết đã thay đổi. Đầu tháng, trăng tròn vành vạnh, nhưng trời vẫn nóng bức không chịu nổi. Có cảm giác như không khí tích đầy điện, chắc chắn mùa mưa bão sẽ kéo dài khá lâu.
Thật vậy, ngày 2 tháng ba, sấm đã nổ rền vang. Gió đông nổi lên và cơn mưa đá hạt to bằng trứng chim bồ câu đã rơi thẳng vào cửa Lâu đài Đá hoa cương.
Tranh thủ lúc thời tiết xấu, những người khai khẩn làm công việc trong nhà, mỗi ngày họ làm thêm được một việc mới. Kỹ sư đã tạo ra được một cái máy tiện và tiện các đồ cho nhà bếp, phòng vệ sinh; ông làm khuy áo, giá súng, tủ, giá sách…
Pencroff lúc nào cũng khen ngợi con khỉ không tiếc lời:
- Jup của chúng ta bây giờ đã tài lắm! Ai cũng bằng lòng về nó, chẳng hề nghe chú ta chửi tục một tiếng bao giờ. Một người hầu phải tuyệt trần thế chứ phải không Nab!
- Học trò của tôi đấy. – Nab trả lời – Chú ta sắp theo kịp tôi rồi đó!
Quả thực là Jup hiểu thấu đáo trách nhiệm của mình. Chú rũ quần áo, trở que nướng thịt, quét nhà, phục vụ bàn ăn, xếp củi và điều đặc biệt làm cho Pencroff thán phục là trước khi ngủ bao giờ chú Jup cũng dọn giường cho chàng thuỷ thủ đáng kính.
Và thật thế, mọi người đều cảm thấy khoẻ khoắn lắm. Harbert sau một năm đã lớn. Gương mặt chú trở nên nghiêm nghị hơn, dũng cảm hơn, và nhìn chung thấy rằng chú sẽ thành một con người tốt, cả về thể lực và trí lực. Những lúc rảnh rỗi chú lao vào học tập.
Cyrus Smith giúp chú trang bị kiến thức về lĩnh vực khoa học, Gédéon Spilett giúp chú trang bị kiến thức về ngôn ngữ.
Kỹ sư tha thiết mong muốn truyền cho chú bé tất cả những gì ông biết, răn dạy chú bằng việc làm và lời nói; cái hay của Harbert là chú tiến bộ rất nhanh khi học với các thầy giáo của mình.
“Nếu ta chết, – Cyrus Smith nghĩ – chú nhóc sẽ thay ta!”…
Ngày 17 tháng ba, trước sự mãn nguyện của mọi người chiếc thang thuỷ lực lần đầu tiên đã hoạt động.
Cyrus Smith đã thực hiện lời hứa của mình. Dưới sự hướng dẫn của viên kỹ sư, những người khai khẩn đã mở rộng lỗ thoát nước cũ của hồ, cho nước chảy xuống giếng sâu thành một dòng thác. Sức nước đã làm quay bánh xe cuốn sợi cáp. Đầu cáp buộc một cái giỏ treo để đưa người hay hàng lên xuống.
Vào những ngày ấy Cyrus Smith còn thử chế tạo kính thuỷ tinh từ cát, đá phấn và xút. Công việc mới, nhưng ông đã tận dụng lò gốm cũ. Gédéon Spilett và Harbert dã giúp viên kỹ sư đắc lực trong việc thổi và cán thuỷ tinh. Và họ đã thành công, năm mươi tấm kính đã ra đời, được dùng để lắp vào cửa sổ, tuy không được trong lắm, nhưng đủ cho ánh sáng lọt qua tốt. Sau đấy, ông xây các lò nung bát đĩa, li, chai dùng trong đời sống hàng ngày.
Theo đề nghị của Gédéon Spilett, kỹ sư Cyrus đã dùng máy lục phân kiểm tra lại công việc xác định vị trí hòn đảo của mình.
Theo số liệu đầu tiên của ông, đảo Lincoln ở giữa 150º và 155º kinh tuyến tây; giữa 30º và 35º vĩ tuyến nam.
Bây giờ những tính toán hoàn toàn chính xác cho biết đảo nằm ở vị trí.
150º 30’ kinh tuyến tây.
34º 57’ vĩ tuyến nam.
Nghĩa là đúng như kết quả đầu tiên mà kỹ sư đã tính, sai số không quá năm độ.
Họ lật bản đồ Thái Bình Dương ra, viên kỹ sư cầm chiếc compa để xác định vị trí của hòn đảo.
Bỗng ông lặng người đi, đưa tay chỉ vào tấm bản đồ nói:
- Đúng, ở khu vực này của Thái Bình Dương trên bản đồ có vẽ một hòn đảo.
- Đó là đảo gì thế ạ? – Harbert hỏi.
- Đảo Tabor.
- Đảo có lớn không?
- Không, đây là một hòn đảo nhỏ ở Thái Bình Dương, chắc chẳng có ai lên đó làm gì!
- Vậy ta sẽ lên đó. – Pencroff tuyên bố.
- Chúng ta sẽ đóng một con tàu có boong, tôi sẽ đảm nhận việc lái nó. Thế chúng ta ở cách đảo Tabor bao xa?
- Khoảng một trăm năm mươi hải lí về phía tây bắc. – Cyrus Smith trả lời.
- Một trăm năm mươi hải lí! – Pencroff tuyên bố – Nếu thuận gió thì chỉ hai ngày hai đêm là ta đến đó thôi.
- Nhưng mà để làm gì? – nhà báo hỏi.
- Thì cứ đến thôi. Cũng cần phải đến xem láng giềng của chúng ta chứ!
Sau câu trả lời ấy, những người ngụ cư đã quyết định sẽ đóng tàu, và họ sẽ bơi sang đảo Tabor vào tháng mười, là lúc thời tiết tốt nhất.

Chương 8
Tác giả: Jules Verne

Nếu Pencroff đã nảy ra trong đầu một sáng kiến là anh không yên tâm nếu chưa thực hiện được việc ấy. Chẳng hạn, anh nghĩ ra chuyện đi đến đảo Tabor, muốn vậy phải có một chiếc tàu khá lớn – thế là chàng thuỷ thủ lao vào đóng tàu.
Viên kỹ sư, với sự đồng tình của chàng thuỷ thủ, đã dừng lại ở phương án như sau. Họ sẽ đóng một chiếc tàu, chiều dài bằng ba mươi lăm bộ, chiều ngang chín bộ, đủ tạo cho nó mọi tốc độ. Tàu được trang bị giống như thuyền buồm lớn, nghĩa là có nhiều buồm có thể điều khiển, phối hợp một cách dễ dàng trong lúc có bão biển.
Họ đóng tàu bằng gỗ vốn có sẵn rất nhiều trên đảo.
Sau khi cân nhắc mọi điều đến từng chi tiết, những người khai khẩn quyết định chỉ có Cyrus Smith và Pencroff lo việc đóng tàu thôi, bởi vì còn sáu tháng nữa mới đến mùa xuân.
Chỉ sau một tuần, tại khu đất trũng nằm giữa Hang ngụ cư và dãy núi đá hoa cương, nơi đặt xưởng đóng tàu, đã thấy có một thanh gỗ ba mươi lăm bộ làm sống tàu cùng với sống đuôi và sống mũi trước.
Cyrus Smith am hiểu công việc đóng tàu, cũng như nhiều việc khác; trước hết ông lập bản vẽ thi công. Quả là ông có người giúp việc tuyệt vời – Pencroff, anh đã từng nhiều năm làm việc ở các xưởng đóng tàu Brooklin, nên anh biết cần phải làm gì.
Nhưng vì một công việc mà có lần anh đã phải rời xưởng mất chỉ đúng một ngày thôi. Đó là ngày 15 tháng tư. Hôm ấy anh đi gặt lúa mì, vụ thu hoạch tuyệt vời, cũng giống như vụ đầu, họ dự tính bao nhiêu thì quả nhiên thu được bấy nhiêu hạt.
- Và nếu vụ sau cũng tốt như thế này thì chúng ta sẽ thu được bốn ngàn buaso.
- Chúng ta sẽ có bánh mì?
- Chúng ta sẽ làm cối xay.
Vì vậy, vụ thứ ba này cánh đồng lúa mì được mở rộng hơn trước, đất được cuốc xới hết sức kỹ càng rồi mới gieo hạt. Xong đâu đó Pencroff mới tiếp tục việc đóng tàu. *
* * Mùa đông đã đến vào tháng sáu – tháng này ở nam bán cầu tương tự như tháng mười hai ở các vĩ tuyến Bắc. Đã đến lúc phải quan tâm đến quần áo ấm.
Những người ngụ cư đã cắt lông cừu rừng và bây giờ cần phải làm ra vải từ loại nguyên liệu quý này. Đương nhiên là Cyrus Smith không có máy để chế tạo cũng như không có máy dệt để dệt vải, vì vậy, ông phải dùng những phương tiện đơn giản nhất để khỏi dệt và xe sợi. Và thực tế ông đã tận dụng đặc tính của lông thú là khi dàn ra thì nó bị ép mịn lại, các sợi xô lông đan kết vào nhau – bằng cách ấy họ đã làm ra dạ, tuy thô thiển, nhưng là loại vải ấm. Mùa đông, những người khai khẩn lại làm việc ở nhà, họ sửa chữa quần áo, làm các đồ dùng khác nhau, may buồm cho tàu bằng vỏ khí cầu…
Một hôm họ đang quây quần nghe kỹ sư Smith nói chuyện khoa học nghiên cứu dùng sức nước làm nguồn nhiên liệu cho các thể kỉ sắp tới, bỗng con Top cất tiếng sủa. Với một vẻ gì đó rất lạ lùng, đến nỗi đã nhiều lần viên kỹ sư phải nghĩ ngợi. Cũng như trước đây, con Top cứ chạy quanh giếng ở cuối hành lang trong mà sủa. Cả chú Jup cũng càu nhàu, rõ ràng chú bị kích động bởi cái gì đấy.
- Có lẽ, – Gédéon Spilett nói – cái giếng thông với đại dương, bởi vậy một động vật nào đó sống dưới biển thỉnh thoảng vào đó để hít hơi thở.
- Có thể lắm, bởi vì đâu có lối giải thích nào khác được – chàng thuỷ thủ lên tiếng – Thôi, im đi Top, – chàng quay lại bảo con chó. – Jup, về chỗ đi nào!
Ngày mồng 3 tháng tám, những người ngụ cư đi nghên cứu bãi lầy ở phía đông nam đảo. Top và Jup cũng đi theo. *
* * Không khí lạnh kéo dài thêm một tuần nữa, những người ngụ cư ở nhà không làm gì và quyết định đi thăm trại chăn nuôi xem mọi việc có ổn không. Suốt cả tuần ấy, Pencroff với sự giúp đỡ của Harbert đã khâu buồm và hăng say làm đến nỗi chẳng bao lâu mọi việc đã xong. Bộ trang bị của tàu gồm có các sợi cáp bện bằng tấm lưới tìm được cùng với vỏ khí cầu, chất lượng rất tốt. Các cánh buồm được khâu bằng dây cáp, dây giằng, dây lèo, dây kéo và các loại dây khác cần thiết. Như vậy là toàn bộ thiết bị của tàu đã được chuẩn bị đầy đủ trước khi đóng xong tàu. Pencroff thậm chí còn làm một lá cờ, dùng màu đỏ và màu xanh nước biển sơn lên mảnh vải trắng. Bên cạnh ba mươi bảy ngôi sao biển hiện ba mươi bảy tiểu bang trên các lá cờ của các tàu Mỹ, chàng thuỷ thủ thêm vào ngôi sao thứ ba mươi tám và gọi đó là ngôi sao tượng trưng của bang “Lincoln”.
Trong lúc mùa đông thứ nhất trên đảo sắp hết, những người ngụ cư hi vọng mùa đông thứ hai sẽ trôi qua không có những sự kiện khác biệt.
Đã sang tháng chín, mùa đông đã kết thúc và những người ngụ cư lại hăng hái bắt tay vào công việc.
Cột cờ, các cột buồm, mái chèo được làm xong trong tuần lễ đầu tiên của tháng mười. Và những người ngụ cư quyết định thử tàu ở gần bờ đảo, xem nó có chịu nổi lên dưới nước không và có thể dùng nó để đi một chuyến xa đảo không.
Ngày 10 tháng mười, họ hạ thuỷ con tàu. Mọi việc diễn ra tốt đẹp. Khi họ cho tàu trượt trên những con lăn xuống bờ biển, nước triều đón ngay nó và con tàu kiêu hãnh nổi lên trong tiếng vỗ tay của những người ngụ cư.
Mọi người nhất trí cử Pencroff làm thuyền trưởng. Để hỗ trợ cho thuyền trưởng Pencroff, họ quyết định trước hết đặt tên tàu, và sau những cuộc tranh luận kéo dài, tất cả đều đồng ý đặt tên cho tàu là “Bonadventur”, đó là tên thánh của chàng thuỷ thủ đáng mến.
“Bonadventur” vừa cưỡi lên sóng mọi người đã tin chắc rằng nó sẽ chịu đựng được dưới nước trong bất kì hoàn cảnh nào của cuộc hành trình.
Ngay ngày hôm ấy họ đã thử cho tàu chạy quanh đảo. Mười giờ rưỡi, tất cả mọi người, thậm chí cả Top và Jup, đều có mặt trên boong tàu. Nab và Harbert nhổ neo được cắm sâu vào trong cát ở gần cửa sông Tạ ơn. “Bonadventur” giương buồm cùng với lá cờ của đảo Lincoln phấp phới bay trên đỉnh, và lên đường ra khơi dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng Pencroff.
Con tàu chạy cách bờ ba, bốn hải lí. Từ xa, hòn đảo hiện lên trước mặt họ dưới một hình thức mới trông thật lộng lẫy.
- Đẹp quá! – Harbert trầm trồ.
- Đúng, hòn đảo của chúng ta đẹp và mến khách. – Pencroff trả lời. Anh yêu nó như yêu người mẹ ruột thịt. – Thưa ngài Cyrus, – Pencroff quay sang phía kỹ sư hỏi – ngài thấy con tàu của chúng ta thế nào?
- Có vẻ tốt lắm! – viên kỹ sư trả lời.
- Tuyệt diệu! Vậy ngài nghĩ sao, có thể cho nó đi một chuyến xa đảo được không?
- Đi đâu, Pencroff?
- Chẳng hạn cho nó sang đảo Tabor.
- Anh bạn của tôi! – Cyrus Smith trả lời – Tôi nghĩ rằng, trong trường hợp cần thiết, có thể không chút lưỡng lự phó thác số phận của mình cho “Bonadventur” thậm chí còn chấp nhận một chuyến du hành đường dài.
Sau chuyến bơi thử ngoài khơi, con tàu tiến vào gần cảng khí cầu, chỉ còn cách cảng nửa hải lí. Harbert đang đứng trên mũi tàu chỉ luồng lạch bỗng kêu to:
- Cho tàu chạy ngược gió, anh Pencroff, cho tàu chạy ngược gió!
- Chuyện gì thế? – chàng thuỷ thủ đứng dậy hỏi – Đá ngầm à?
- Không! Khoan đã! – Harbert trả lời – Em trông thấy… cho tàu chạy ngược gió đi… như thế tốt rồi… tiến lên chút nữa…
Vừa nói Harbert vừa nhoài qua mạn tàu, thò nhanh tay xuống nước và kêu lên:
- Cái chai!
Chú nâng niu cái chai nút kín vớt được ở cách bờ vào cảng Cabeltov.
Cyrus Smith cầm cái chai, lặng lẽ mở nút và rút ra một mảnh giấy đã thấm nước, trên đó vẫn có thể đọc được những từ như sau:
“Tôi bị nạn đắm tàu… Đảo Tabor (153º) kinh tuyến đông, 37º11’ vĩ tuyến nam”.

Chương 9
Tác giả: Jules Verne

Pencroff kêu lên:
- Thế nào ngài Cyrus Smith, bây giờ ngài sẽ không phản đối chuyến du hành nữa chứ?
- Không, Pencroff, – Cyrus Smith trả lời, - và cần phải khởi hành càng sớm càng tốt.
- Đúng vậy, ngày mai?
- Ngày mai.
Kỹ sư xem qua mảnh giấy mà ông lấy trong chai ra. Ông suy tư điều gì đó, rồi nói:
- Các bạn, dựa vào bức thư này có thể kết luận như sau: Thứ nhất, người bị nạn ở đảo Tabor là một người am hiểu về nghề hàng hải, bởi vì vĩ tuyến và kinh tuyến của đảo mà ông ta cho biết trùng khớp với độ chính xác tới một phút; thứ hai, ông ta là một người Anh hoặc người Mỹ, bởi vì lá thư đã được viết bằng tiếng Anh.
- Một nhận xét hoàn toàn logic, – Gédéon Spilett tuyên bố, đấy chính là lời giải đáp. Rõ ràng cái hòm mà chúng ta tìm thấy là ở đâu ra rồi. Một tai nạn đắm tàu xảy ra, vì đã có một người bị nạn.
- Thế có thấy điều gì lạ lùng không? Cyrus Smith hỏi Pencroff.
- Tôi cảm thấy rằng đây là một dịp may có vậy thôi. – chàng thuỷ thủ đáp – Còn ngài Cyrus, ngài thấy trong việc này có điều gì đó khác thường sao? Bởi vì, cái chai trôi đến đâu chả được? Tại sao nó lại giạt vào đây?
- Có thể anh nói đúng đấy, Pencroff. – viên kỹ sư trả lời, – nhưng…
- Nhưng, – Harbert nhận xét – đâu có gì chứng tỏ cái chai đã trôi trên mặt biển bao lâu rồi? Có nghĩa là bức thư không có ngày tháng?
- Chẳng có gì hết, – Gédéon Spilett trả lời, – và thậm chí cả bức thư cũng có thể mới được viết đây thôi. Ngài nghĩ thế nào về điều này, thưa ngài Cyrus?
- Khó nói đấy, nhưng chúng ta nhất định sẽ giải thích được tất cả! – Cyrus Smith trả lời.
“Bonadventur” đã vòng qua mũi Cái móng và bốn giờ chiều đã thả neo gần sông Tạ ơn. Buổi tối hôm ấy, những người ngụ cư bạn bạc với nhau và đi đến nhất trí là Pencroff, Harbert và Spilett sẽ sang đảo Tabor. Còn Smith và Nab ở lại Lâu đài Đá hoa cương. Trong đêm, những người ngụ cư đã chuyển lên tàu “Bonadventur” các đồ dùng, bát đĩa, vũ khí, đạn dược, địa bàn, lương thực ăn cho một tuần, sau đó họ trở về ngay Lâu đài Đá hoa cương. Hôm sau, năm giờ sáng, ba người bạn xúc động chia tay những người ở lại, nhỏ neo lên đường… “Bonadventur” chạy rất tốt, nó nhẹ nhàng lướt trên sóng vafd đạt dần tốc độ khá cao.
Thỉnh thoảng, Harbert cầm lái thay cho Pencroff. Chú điều khiển chắc chắn, tàu chạy không bị trệch hướng và thuyền trưởng không có gì phải trách cứ người giúp việc của mình. Gédéon Spilett lúc thì trò chuyện với chàng thuỷ thủ, lúc thì trò chuyện với Harbert, thỉnh thoảng còn giúp họ kéo hoặc cuốn buồm…
Sang tối ngày thứ hai, các nhà du hành tính rằng tàu “Bonadventur” có lẽ đã bơi cách đảo Lincoln được một trăm hai mươi hải lí, bởi tàu chạy tốc độ trên ba hải lí một giờ.
Suốt đêm 12 rạng 13, không có ai trong số họ, kể cả Gédéon Spilett, Harbert lẫn Pencroff chợp mắt được. Họ thao thức chờ sáng và không thể nào nén nổi hồi hộp.
Cuối cùng gần giữa trưa ngày hôm sau, sống mũi tàu “Bonadventur” chạm vào bờ cát. Họ nhả neo, hạ buồm, và đoàn thuỷ thủ của tàu lên bờ. Suốt mấy giờ liền Pencroff, Gédéon Spilett và Harbert đi tìm trên đảo, nhưng không gặp ai, và bây giờ đây, vào lúc năm giờ chiều, họ tiến hành đi sâu vào rừng.
Họ đã làm cho một số con vật nào đấy hoảng sợ chạy tán loạn, hoá ra đó là những con dê và giống heo châu Âu. Harbert quyết định thế nào cũng phải bắt lấy vài cặp giống đưa về đảo Lincoln.
Không nghi ngờ gì nữa, – trên đảo từng có người ở. Các du khách tin chắc như vậy khi bước vào rừng, ở đấy có những thân cây bị đốn ngã bằng rìu, và chỗ nào cũng thấy có những dấu vết con người đấu tranh với thiên nhiên.
- Có lẽ, – Gédéon Spilett nói – không những có người ở mà thậm chí họ còn ở đây một thời gian dài.
- Trong thư chỉ nói đến một người thôi, – Harbert nhận xét.
Trời bắt đầu tối, nhà báo đề nghị mọi người quay về tàu ngủ, ngày mai đi tìm tiếp.
Mọi người chấp nhận lời khuyên sáng suốt ấy và định thực hiện thì bỗng Harbert kêu toáng lên:
- Có lều kìa!
Và ba người vội vã đi về phía căn lều.
Pencroff mở toang cánh cửa khép hờ ra và xộc vào. Trong đó vắng tanh không một bóng người!*
* * Pencroff, Harbert và Gédéon Spilett im lặng đứng nhìn căn lều tối tăm. Pencroff lớn tiếng gọi người chủ lều. Không có tiếng trả lời.
Khi ấy, chàng thuỷ thủ châm lửa đốt một cành củi khô, ánh sáng trong nháy mắt soi sáng căn lều nhỏ. Trong lều không có ai. Nơi bếp lò có tro và một bó bùi nhùi. Pencroff ném cây củi cháy vào đó, bùi nhùi cháy hắt mảng ánh sáng chập chờn lên túp lều.
Bấy giờ, các du khách nhìn thấy một cái giường trải những tấm chăn đã trở nên ẩm ướt và vàng khè. Hẳn từ lâu đã không có ai sử dụng cái giường này. Bên bếp lò lỏng chỏng hai cái xoong đã han rỉ, trong tủ toòng teng một bộ quần áo lính thuỷ đã mốc meo; trên bàn có mấy cái đĩa nhôm và cuốn thánh kinh mốc xanh; trong góc lều ngổn ngang một cái xẻng, một cái cuốc chim, một cái cuốc bàn và hai khẩu súng săn, trong đó một khẩu đã bị hỏng. Trên giá có một thùng nhỏ đựng thuốc súng, một thùng nhỏ đựng đạn chì và vài hộp kíp nổ. Tất cả đều đã phủ lên một lớp bụi tích tụ có lẽ đã nhiều năm.
- Không có ai cả! – cuối cùng nhà báo nói.
- Từ lâu rồi, không ai sống ở đây hết. – Harbert nhận xét.
- Vậy chủ lều đi đâu? Hay là họ đã rời khỏi đây rồi? – nhà báo nói.
- Không, nếu đã rời đây thì anh ta phải mang theo vũ khí và dụng cụ. – Pencroff trả lời – Anh ta còn ở trên đảo này!
- Vẫn còn sống? – Harbert hỏi.
- Có thể vẫn còn sống mà cũng có thể đã chết. Mà nếu chết thì anh ta đâu có tự chôn mình được. – Pencroff nói – Chắc chắn chúng ta sẽ tìm được dấu tích của anh ta.
Thế là, những người bạn viễn du đã quyết định ngủ lại trong căn lều.
Suốt đêm, họ không nghe tiếng chân ai, cánh cửa lều cũng không mở lần nào, trong khi thời gian cứ trôi đi.
Hôm sau, trời sáng họ đã dậy và bắt đầu xem xét căn lều. Ai nấy đều tin chắc cư dân duy nhất của đảo đã chết.
- Hừng sáng ngày mai chúng ta lên đường trở về thôi. – Pencroff nói với mọi người lúc gần hai giờ chiều.
- Em nghĩ – Harbert nhận xét – Chúng ta có thể mang theo những vũ khí, dụng cụ, đồ dùng của người chủ lều mà không bị lương tâm cắn rứt. Có phải thế không?
- Đồng ý! – Pencroff nói – Chớ quên mang theo một đôi heo, vì trên đảo Lincoln không có giống này.
- Và hạt giống nữa. – Harbert nói thêm.
Và Harbert đi theo con đường nhỏ, còn chàng thuỷ thủ cùng nhà báo đi sâu vào rừng.
Nửa giờ sau, họ bỗng nghe có những tiếng kêu la vang lên cách đó vài trăm bước về phía bắc, kèm theo tiếng kêu ấy là tiếng gầm gừ khủng khiếp của một con thú nào đấy.
Pencroff và Gédéon Spilett đứng thẳng người dậy và bắt đầu lắng nghe.
- Đúng là tiếng của Harbert rồi! – nhà báo thốt lên.
- Ta chạy đến đó! – Pencroff nói nhanh – Nhanh lên!
Và cả hai ba chân bốn cẳng chạy đến chỗ có tiếng kêu vẳng lại.
Sự vội vã của họ không uổng công chút nào. Vừa ra đến khoảng rừng trống họ đã thấy một con dã thú đang vật chú bé xuống đất và bóp cổ.
Pencroff và Gédéon Spilett, nhanh như chớp, xông thẳng vào con quái vật, đánh gục nó tại chỗ, giải thoát cho Harbert. Cả hai người đều khoẻ, nên mặc dù bị con quái vật chống cự, họ vẫn trói chặt được nó lại.
- Con khỉ này định xé tan xác em ra đó! – Pencroff nói.
- Đâu phải là vượn! – Harbert cải chính.
Khi nghe cậu bé nói vậy, Pencroff và Gédéon Spilett nhìn kỹ lại sinh vật lạ nằm dưới đất. Thật vậy, đó không phải là khỉ. Một con người! Nhưng mà đó là một con người man rợ kinh khủng. Càng đáng sợ hơn nữa là con người ấy đã đi đến mức hoang dã tột cùng. Đầu tóc bù xù, râu cằm bẩn thỉu, rủ xuống ngực, thay vì quần áo quấn trên mình hắn là một cái khố bằng miếng vải rách nào đấy, hai con mắt lơ láo, hai cánh tay to, móng tay dài ngoẵng, da mặt đen nhẻm, hai bàn chân chai sần, tâm hồn của con người ấy còn giữ được tính người nữa chăng, hay chỉ còn những bản năng động vật?
- Thế anh có tin rằng đây là một con người hoặc đã từng có một thời nào đó là con người không? – Pencroff hỏi nhà báo.
- Than ôi! Không có gì phải nghi ngờ nữa, – nhà báo trả lời.
- Vậy đây chính là người bị tai nạn đắm tàu ư? – Harbert kêu lên.
- Đúng! – Gédéon Spilett khẳng định – Nhưng con người rủi ro ấy đã đánh mất diện mạo cùng bản tính của mình rồi!
Gédéon Spilett bắt chuyện với hắn. Nhưng, hắn hình như không hiểu và thậm chí hầu như không nghe họ nói. Tuy nhiên, nhìn kỹ hơn vào đôi mắt của hắn, nhà báo thấy rằng lí trí của con người ấy vẫn chưa hoàn toàn mất hẳn.
Sau khi nhìn thật kỹ con người bất hạnh ấy Gédéon Spilett nói:
- Cho dù hắn từng là ai, đã làm gì trong quá khứ và điều gì xảy đến với hắn trong tương lai thì nhiệm vụ của chúng ta là giải hắn về đảo Lincoln đã!...
Sáng sớm ngày 15 tháng mười, “Bonadventur” nhổ neo trở về Lâu đài Đá hoa cương. Tên tù binh được cởi trói và nhốt trong khoang tàu phía đằng mũi…
Nhưng tàu chạy đã sang ngày 17 mà không thấy điều gì chứng tỏ đã về gần tới đảo Lincoln. Thêm một ngày nữa, vẫn chưa thấy đất liền xuất hiện. Ngày 18, lại xảy ra chuyện tàu bị sóng tràn lên boong, suýt nữa đã cuốn sạch đoàn thuỷ thủ xuống biển.
Pencroff và các bạn lo đối phó và đã bị kiệt sức. Nhưng lúc ấy, thật bất ngờ, tên tù binh đã cứu giúp họ. Hắn từ cửa khoang lao ra, dường như trong hắn đã thức tỉnh bản năng của một thuỷ thủ, và hắn dùng tay đập vỡ tấm chắn sóng ở mạn tàu cho nước tràn lên boong thoát ra. Khi con tàu đã được giải phóng khỏi trọng tải thừa ấy, tên tù binh lại lẳng lặng trở về khoang của mình.
Pencroff, Gédéon Spilett và Harbert lặng người đi vì kinh ngạc, và đã để cho hắn được tự do đi lại hoạt động bình thường.
Suốt đêm 18 rạng 19 tháng mười, gió đã lặng, sóng êm hơn. “Bonadventur” tăng được tốc độ di chuyển.
Pencroff hết sức lo âu, nhưng không buồn nản, bởi vì anh đã được tôi luyện và lòng anh đã kiên định. Vừa điều khiển tay lái, anh lại vừa dõi nhìn bóng đêm dày đặc vây quanh con tàu bé nhỏ. Gần hai giờ đêm bỗng chàng thuỷ thủ nhảy cẫng reo lên:
- Có ánh lửa! Có ánh lửa!
Và quả thật, một chùm ánh sáng rực rỡ hiện lên cách họ về hướng đông bắc hai mươi hải lí. Ở nơi ấy, trên đảo Lincoln, đã bùng lên ánh lửa sáng rực, có lẽ do Cyrus Smith nhóm và chỉ đường cho họ.
Con tàu đã đi chệch hướng về phía bắc khá xa. Pencroff quay hướng lại theo ánh lửa sáng chói nơi chân trời.*
* * Sáng ngày hôm sau, 20 tháng mười, vào lúc bảy giờ sáng, “Bonadventur” thận trọng cập bến cửa sông Tạ ơn.
Cyrus Smith và Nab lo lắng vì thời tiết xấu và vì sự vắng mặt lâu ngày của những người bạn, ngay từ lúc vừa tảng sáng đã lên cao nguyên Tầm nhìn ngóng trông và cuối cùng, đã nhìn thấy “Bonadventur” mà bấy lâu họ chờ mong.
- May quá, họ đã trở về! – Cyrus Smith thốt lên.
Tên tù binh đảo Tabor được dẫn từ khoang tàu lên. Vừa bước chân lên mặt đất, hắn vùng chạy trốn.
Nhưng Cyrus Smith đã bước lại gần hắn và, bằng một điệu bộ đầy quyền uy, ông để tay lên vai hắn, nhìn hắn với một vẻ hiền từ khôn xiết. Và kẻ bất hạnh, dường như đã chịu khuất phục bởi một sức mạnh nào đấy, lặng đi, chùng mắt xuống, cúi đầu và thôi có ý chống cự.
- Một con người tội nghiệp bị mọi người lãng quên? – viên kỹ sư lẩm bẩm.
Mọi người đã quyết định cho tên tù binh, mà từ nay những người bạn mới của hắn gọi hắn là “người lạ” được ở trong một căn phòng của Lâu đài Đá hoa cương, hắn chẳng thể chạy đi đâu được.
Nab nấu vội bữa ăn sáng, vì nhà báo, Harbert và Pencroff đã đói lả đi…
Sau khi nghe hết mọi chuyện về cuộc viễn du của đoàn thuỷ thủ, Cyrus Smith đồng ý với các bạn rằng người lạ này có lẽ là người Anh hoặc người Mỹ.
- Ngài Cyrus, có nghĩa là ngài tin rằng ngài sẽ làm cho hắn ta trở lại con người? – nhà báo hỏi.
- Tôi tin. – viên kỹ sư khẳng định.
Mọi người bốc lên bờ các thứ hàng đưa từ trên đảo Tabor về. Sau đó, được sự đồng ý của Cyrus Smith, Pencroff và Harbert đưa tàu “Bonadventur” về cảng Khí cầu, mặc dù ở đó hơi xa, cách Lâu đài Đá hoa cương những ba hải lí.
Người lạ dần dần đã từ bỏ những bản năng hung dữ của mình. Hắn không ăn thịt sống như hồi còn ở hòn đảo Tabor của hắn nữa, mà ăn thịt nấu chín.
Một hôm, lợi dụng người lạ ngủ say, Cyrus Smith đã cắt bỏ mớ tóc bù xù và bộ râu cằm dài từng làm cho vẻ mặt hắn nom thật đáng sợ. Kỹ sư mặc cho hắn bộ quần áo khác thay cho cái khố rách hắn đeo trên người. Và đây, cuối cùng, trên gương mặt người lạ được sự quan tâm săn sóc đã xuất hiện cái gì đấy của con người và ánh mắt của hắn cảm thấy đã dịu dàng hơn. Hẳn trước đây, khi đôi mắt hắn sáng lên một ý tưởng, trông hắn cũng rất đẹp.
Cyrus Smith dành nhiều thời gian để gần gũi với người lạ. Đôi khi một người, hoặc có khi là tất cả những người ngụ cư đều vào phòng người lạ, kể đủ mọi thứ chuyện, nhưng thường xuyên hơn cả là chuyện về ngành hàng hải vốn gần gũi hơn với bất kì người thuỷ thủ nào. Có lúc người lạ hình như cũng lắng nghe tiếng nói của họ, và họ đi đến khẳng định rằng có lúc hắn đã hiểu được điều gì đấy.
Và, mọi người đều thấy hắn có sự gắn bó theo kiểu của hắn đối với viên kỹ sư. Bởi vậy Cyrus Smith quyết định thử thách hắn, đưa hắn ra bờ biển, rồi vào rừng, gợi cho hắn nhớ lại những khu rừng mà hắn đã sống chừng ấy năm…
Cuộc thử thách đã được thực hiện ngày 30 tháng mười, sau chín ngày người lạ bị giam trong Lâu đài Đá hoa cương.
Khi Cyrus Smith và Pencroff bước vào phòng, tên tù binh đang nằm bên cửa sổ và nhìn lên trời.
- Bạn hãy đi theo chúng tôi.
Người lạ chồm dậy. Hắn chăm chú nhìn Cyrus Smith, rồi đi theo ông ra bờ biển, còn chàng thuỷ thủ bước đi đằng sau, tỏ ý chẳng tin chút nào về sự thành công của cuộc thử thách… Hắn đi mấy bước xuống biển. Hắn nhìn những con sóng uể oải vỗ vào bờ. Trái với điều chờ đợi của mọi người, hắn không chạy trốn.
Họ đưa hắn vào rừng và từ đằng xa, họ chuẩn bị tinh thần sẵn sàng tóm hắn lại nếu hắn định tháo chạy.
Khi nhìn thấy những cây rừng tươi tốt, sum sê gió nhẹ thổi đung đưa tàu lá, hắn bắt đầu say sưa hít thở làn khí từ rừng thơm ngát.
Và quả thực, hắn đã suýt lao xuống con suối ngăn cách hắn với khu rừng, – những bắp thịt trên đôi chân hắn đã thoáng căng lên. Nhưng, ngay lập tức, hắn lùi lại, quỳ xuống đất và những giọt nước mắt lăn trên má hắn!
- Bạn khóc, – Cyrus Smith thốt lên – có nghĩa là bạn đã lấy lại bản chất con người!*
* * Hai ngày sau, người lạ bắt đầu quan tâm đến cuộc sống của những người trên đảo. Rõ ràng là hắn nghe hết, hiểu hết, nhưng một mực không muốn nói chuyện với những người chung quanh. Một buổi tối nọ, Pencroff áp tai vào cửa phòng hắn, và anh đã nghe thấy hắn lẩm bẩm:
- Không, không phải họ!
Chàng thuỷ thủ thông báo lại cho những người bạn của mình biết những lời hắn ta vừa nói.
- Ở đây ẩn giấu một bí mật bi thảm nào đó! – Cyrus Smith nói.
Người lạ bắt đầu làm việc. Hắn sử dụng công cụ lao động rất thành thạo. Nhưng trong quá trình làm việc, nhiều khi hắn bỏ xẻng, chìm đắm trong những suy tư.
Một lần nọ, khi đi ngang qua Harbert, hắn dừng lại và hỏi bằng một giọng nghẹn ngào:
- Bây giờ là tháng mấy?
- Tháng mười một. – Harbert trả lời.
- Còn năm?
- Năm một ngàn tám trăm sáu mươi sáu.
- Mười hai năm! Mười hai năm! – người lạ nhắc đi nhắc lại và đột nhiên hắn chạy vụt đi.
Harbert đã kể lại cho những người ngụ cư nghe câu chuyện ấy.
- Gã tù binh lạ mặt của chúng ta. – Gédéon Spilett nhận xét – Đã quên cách tính toán tháng năm rồi.
- Đúng! – Harbert nói thêm – Nghĩa là ông ta đã sống mười hai năm trên đảo Tabor?
- Mười hai năm! – Cyrus Smith nhắc lại – Đúng, nếu mười hai năm sống trong sự cô đơn mà lương tâm bị cắn rứt bởi một vết nhơ nữa thì mất trí là điều tự nhiên.
- Theo tôi, – đến đây Pencroff xen vào – con người này hoàn toàn chẳng phải bị tai nạn đắm tàu đâu, mà đơn giản là người ta đày hắn lên đảo Tabor để trừng phạt vì một tội ác nào đó thôi.
- Có lẽ anh nói đúng, Pencroff! – chàng nhà báo ủng hộ ý kiến anh ta – Nếu vậy thì những người đày hắn lên đảo nhất định sẽ trở lại đón hắn về với thế giới loài người.
- Các bạn của tôi! – Cyrus Smith nói – Chúng ta sẽ không bàn luận về vấn đề này khi chưa biết rõ sự tình ra sao. Tôi tin rằng người lạ đã phải chịu đựng nhiều đau khổ, đã phải trả giá ghê gớm cho những tội ác của mình, và đang bị dằn vặt có nên thổ lộ nỗi lòng mình với chúng ta hay không. Tạm thời chúng ta sẽ không cưỡng bức anh ta làm điều ấy. Tất nhiên anh ta sẽ tự kể hết, và khi ấy chúng ta phải xử sự như thế nào?
- Tại sao anh lại hỏi thế? – nhà báo hỏi.
- Bởi vì, nếu anh ta bị kết án có thời hạn nhất định thì anh ta sẽ chờ đợi ngày được trả tự do và đã không viết thư bỏ xuống biển. Không, chắc chắn là anh ta đã bị kết án tù chung thân và bị lưu đày vĩnh viễn.
Mồng 9 tháng mười một, gần tám giờ tối, khi những người ngụ cư ngồi dưới bàn cây leo xanh tươi trong bóng hoàng hôn, bất ngờ người lạ mặt xuất hiện trước mặt họ. Đôi mắt anh ta ánh lên những tia sáng mới kì lạ làm sao, còn trên gương mặt thì lại thấy hiện lên một vẻ hung tợn khác thường.
Cyrus Smith và các bạn đều kinh ngạc thấy người lạ hồi hộp đến thế, hai hàm răng anh ta đánh cầm cập như thể anh ta bị rét run. Lời nói thì thiếu mạch lạc.
- Các ông đưa tôi đến đây để làm gì? Các ông lấy quyền gì mà chia lìa tôi với hòn đảo nhỏ của tôi?... Giữa chúng ta có cái gì chung không?... Và các ông có biết tôi là ai đâu? Các ông có biết tôi đã từng làm điều gì không? Vì sao tôi đã phải sống những ngày lay lắt trong cảnh cô đơn?... Thế nếu tôi là người bị trục xuất? Nếu tôi bị buộc tội chết trên hòn đảo ấy thì sao? Các ông có biết quá khứ của tôi không? Biết đâu, tôi đã ăn cướp và giết người, biết đâu tôi bị ruồng bỏ và mang tì vết đáng nguyền rủa? Nếu như chỗ của ôi chỉ là ở giữa những con thú dữ. Tôi cần phải xa lánh con người thì sao? Các ông hãy trả lời đi, các ông có biết tất cả những điều đó không?
Cyrus Smith muốn an ủi người lạ và đã bước lại gần, nhưng anh ta đã đẩy ông ra.
- Ông hãy tránh ra! – anh ta thét lên – Ông hãy nói một điều thôi… Tôi có được tự do không?
- Có, anh được tự do! – viên kỹ sư đáp.

Chương 10
Tác giả: Jules Verne

Ngày 10 tháng mười hai, sau khi trở thành khách của Lâu đài Đá hoa cương được một tuần, người lạ đến bên Cyrus Smith và nói một cách nhẹ nhàng từ tốn.
- Thưa ngài, tôi có điều muốn nói với ngài.
- Anh cứ nói. – viên kĩ sư trả lời – Nhưng trước hết anh hãy cho tôi nói đôi điều đã.
Nghe những lời ấy người lạ đỏ mặt lên và suýt bỏ chạy. Cyrus Smith hiểu phản ứng của người lạ theo cách của mình, ông cho là kẻ phạm tội có lẽ sợ bị người ta thẩm vấn về quá khứ và thấy sượng sùng.
Cyrus Smith đã giữ anh ta lại.
- Anh hãy nghe đây. – ông nói – Chúng tôi đối với anh không những là người cùng gặp nạn, mà còn là những người bạn. Đấy là tất cả những gì tôi muốn nói với anh, còn bây giờ tôi sẵn sàng nghe anh.
Người lạ lấy tay quệt nước mắt. Anh ta run run và mất đến mấy giây không sao nói lên lời.
- Thưa ngài. – cuối cùng anh ta nói – Tôi muốn xin ngài làm ơn giúp tôi một việc.
- Việc gì thế?
- Ở cách đây bốn, năm dặm, dưới chân núi, các ngài có khu chăn nuôi gia súc. Số gia súc này cần được chăm sóc. Ngài có thể cho tôi đến ở đó được không?
Cyrus Smith nhìn người lạ với lòng thương cảm sâu sắc. Rồi ông trả lời:
- Anh bạn, khu chăn nuôi không có nhà cửa, chỉ toàn chuồng trại thôi, hoàn toàn không thể ở được…
- Nhưng đối với tôi, thưa ngài! Chuồng trại như vậy cũng tốt lắm rồi.
- Anh bạn của tôi. – Cyrus Smith trả lời. – Chúng tôi sẽ không làm trái ý anh. Tuy nhiên, anh bao giờ cũng là khách quý trong Lâu đài Đá hoa cương. Nhưng, nếu như ưa sống ở khu chăn nuôi chúng tôi sẽ thu xếp cho anh ở đó được thuận tiện hơn…
Căn nhà gỗ nhỏ được xây dựng xong trong một tuần, cách các chuồng gia súc độ hai mươi bộ, trên một cái gò nhỏ, từ đó có thể quan sát đàn cừu rừng đã sinh sôi trên tám chục con một cách thuận lợi.
Ngày 20 tháng mười hai, viên kỹ sư thông báo cho người lạ biết tối hôm nay anh ta có thể ngủ đêm ở nhà mới của mình. Đã gần tám giờ, đến lúc người lạ phải ra khu chăn nuôi, mọi người đang ngồi trong phòng lớn chuyện trò, bỗng có tiếng gõ cửa vang lên khe khẽ. Người lạ bước nhanh vào phòng và nói không cần mào đầu gì hết.
- Thưa các ông, trước khi chia tay các ông tôi muốn các ông biết hết về sự thật của đời tôi. Xin các ông hãy nghe câu chuyện của tôi.
Những lời đơn giản ấy gây ấn tượng lớn đối với Cyrus Smith và các bạn của ông.
Viên kỹ sư đứng lên nói với người lạ.
- Anh bạn của tôi! Chúng tôi không hỏi anh điều gì cả. Anh có quyền im lặng.
- Bổn phận của tôi là kể hết mọi điều cho quý vị.
- Nếu vậy thì chúng tôi sẵn lòng nghe anh kể. – Cyrus Smith nói.
Người lạ lui vào một góc phòng tối. Anh ta đứng yên, bỏ mũ, khoanh tay trước ngực và bắt đầu kể bằng một giọng trầm trầm.
- Ngày 20 tháng 12 năm 1854, chiếc tàu buồm chạy bằng hơi nước có tên là “Duncan” của huân tước Glenarvan – thả neo ở bờ biển phía tây Australia, gần mũi Bernuoulli, trên vĩ tuyến 37. Trên tàu có Glenarvan cùng với vợ, một thiếu tá quân đội Anh, một nhà địa lí người Pháp và hai đứa con của thuyền trưởng Grant – một cô gái trẻ và một cậu bé. Điều khiển tàu “Duncan” là thuyền trưởng John Mangles, đoàn thủ thủ gồm có mười lăm người.
Nửa năm trước đó, đoàn thuỷ thủ trên tàu “Duncan” đã nhặt được ở bờ biển Ireland một cái chai đựng ba lá thư viết bằng ba thứ tiếng Anh, Đức và Pháp với cùng một nội dung. Trong thư thuyền trưởng Grant vắn tắt cho biết rằng họ là nạn nhân của vụ đắm tàu “Britania”. Thuỷ thủ đoàn đều chết cả chỉ còn có ba người sống sót là thuyền trưởng Grant và hai thuỷ thủ. Họ đã lên được một vùng đất nào đó, có chỉ dẫn vĩ tuyến 37º11’, nhưng kinh tuyến bao nhiêu thì không rõ, vì con số ghi trong thư bị nước biển ăn mờ. Họ yêu cầu được cứu giúp.
Bộ tư lệnh hải quân Anh từ chối việc tìm cứu những người bị nạn. Nhưng huân tước Glenarvan, đã dùng chiếc tàu “Duncan” của mình đi cứu họ, “Duncan” đi dọc vĩ tuyến 37º, sang tận Patagonia của Nam Mỹ, nhưng không tìm thấy dấu vết của thuyền trưởng Grant. Glenarvan quyết định đi Australia. “Duncan” đến gần và thả neo ở Bernoulli nằm trên vùng duyên hải Australia, rồi đoàn thuỷ thủ đi tìm kiếm thuyền trưởng Grant trên mặt đất liền. Tại đó, cách bờ biển vài dặm, có trang trại của một người Ireland di cư niềm nở đón tiếp đoàn thám hiểm. Huân tước Glenarvan đã kể hết cho người Ireland nghe vì sao họ đến đây và hỏi xem người chủ trang trại có biết tin tức gì về chiếc tàu “Britania” bị đắm ở vung biển này cách đây gần hai năm không. Người Ireland nọ không biết, nhưng một trong số những người làm công của ông ta có mặt hôm ấy tự nhận là một trong những người bị nạn trong vụ đắm tàu “Britania” cùng với thuyền trưởng Grant.
Họ của người ấy là Ayrton, anh ta có giấy tờ xác nhận là hoa tiêu trên tàu “Britania”. Bấy lâu nay, anh ta cứ tưởng chỉ có một mình anh ta sống sót sau vụ đắm tàu.
Ayrton nhận lời hướng dẫn đoàn thám hiểm của Glenarvan đi tìm thuyền trưởng Grant trên vùng duyên hải Australia.
Vì tàu “Duncan” lúc ấy bị hỏng, nên đoàn thám hiểm chia làm hai toán. Toán đi đường bộ theo vĩ tuyến 37 ra duyên hải phía đông Australia gồm có vợ chồng Glenarvan, hai đưa con của thuyền trưởng Grant, viên thiếu tá, nhà địa lí, thuyền trưởng Mangles và vài thuỷ thủ do Ayrton dẫn đường. Còn tàu “Duncan” dưới sự chỉ huy của Tom Austin, phó thuyền trưởng, lên đường đi Melbourne để sửa chữa và ở tại đó đợi lệnh của Glenarvan.
Ngày 23 tháng 12 năm 1854, đoàn người đi bộ lên đường. Tiến hành cuộc tìm kiếm thuyền trưởng Grant. Cần phải nói rõ để các ông biết rằng Ayrton là một kẻ dối trá. Đúng là hắn đã từng làm hoa tiêu trên tàu Britania, nhưng do tranh chấp với thuyền trưởng Grant và đã âm mưu xúi giục đoàn thuỷ thủ nổi loạn chiếm tàu. Thuyền trưởng Grant đày hắn lên bờ biển phía tây Australia ngày 8 tháng 4 năm 1852. Đó là một sự trừng phạt hoàn toàn công bằng.
Vì vậy, tên bất nhân này thậm chí không hay biết gì về vụ đắm tàu “Britania”. Lần đầu tiên hắn được biết mọi chuyện ấy qua lời kể của huân tước Glenarvan. Từ khi Ayrton bị đưa lên bờ, hắn núp dưới cái tên Ben Joyce cầm đầu một toán tội phạm trốn trại, và giờ đây hắn lại trắng trợn khẳng định rằng vụ đắm tàu đã xảy ra ở bờ biển phía đông. Hắn đã cố ý đưa huân tước Glenarvan đi lạc hướng hi vọng, trong lúc ông còn đang trên đường du hành thì hắn kịp chiếm lấy chiếc tàu buồm “Duncan”, biến nó thành tàu cướp biển và làm mưa làm gió trên đại dương.
Người lạ im lặng. Sau đó lại tiếp tục kể bằng một giọng run run.
- Toán đi đường bộ không đạt mục đích, bởi vì, bọn thuộc hạ của Ayrton, lúc thì đi trước, lúc thì đi sau đoàn thám hiểm, sẵn sàng thực hiện âm mưu của tên thủ lĩnh.
Ayrton tìm đủ cách khuyến dụ Glenarvan viết thư phát lệnh cho tàu “Duncan” rời Melbourne đi vịnh Twofold nằm ở bờ biển phía đông, cách chỗ họ dựng trại vài ngày đường. Họ sẽ xuyên đường rừng để về với tàu “Duncan” vì chuyến tìm kiếm thuyền trưởng Grant không đạt kết quả. Trong khi đó, bọn cướp biển đã hẹn đợi Ayrton ở Twofold để tìm cách chiếm đoạt “Duncan”.
Tên phản bội suýt nữa được giao nhiệm vụ chuyển bức thư lệnh cho phó thuyền trưởng Tom Austin, nhưng hắn bị vạch mặt ngay tức thì, và hắn đã bỏ chạy. Tuy nhiên, người mang thư lệnh sau đó bị bọn chúng âm mưu hành hung, và cuối cùng, chính Ayrton đã đoạt lấy bức thư và hai ngày sau đó hắn có mặt ở Melbourne, hắn giáo thư cho phó thuyền trưởng Tom Austin. Xem xong thư, Tom Austin liền cho tàu nhổ neo. Nhưng Ayrton đã thất vọng biết bao, khi sang ngày thứ hai hắn được biết Tom Austin không cho “Duncan” chạy đi vịnh Twofold như hắn mong muốn, mà lại đi về bờ biển phía đông New Zealand. Hắn âm mưu chống lại, song Tom Austin đưa cho hắn coi bức thư lệnh của Glenarvan. Đúng như vậy, nhờ một sự tình cờ - nhà địa lí người Pháp được nhận nhiệm vụ viết lại bức thư do Glenarvan đọc đã viết nhầm địa danh trong thư lệnh. Thay vì cho “Duncan” đi Twofold, ông lại điều động tàu đi về bờ biển phía đông New Zealand.
Mọi kế hoạch của Ayrton đều đã sụp đổ! Hắn nảy ra ý định dấy loạn. Và hắn bị Tom Austin khống chế và tống giam vào hầm tàu. “Duncan” tiếp tục hành trình đi New Zealand, không biết tình hình toán đi đường bộ của Glenarvan như thế nào.
“Duncan” chạy dọc bờ biển New Zealand đến ngày mồng 3 tháng ba. Hôm ấy, Ayrton đã nghe thấy những tiếng súng. “Duncan” đã nã đại bác dồn dập, và chẳng bao lâu huân tước Glenarvan cùng với tất cả những người cùng đi đã lên tàu của mình.
Đấy là tất cả những rủi ro xảy ra trong thời gian sau đó. Sau khi vượt qua nhiêu thử thách và nguy hiểm, toán của huân tước Glenarvan đã đến được vùng duyên hải phía đông Australia, và vào vịnh Twofold. Không thấy tàu “Duncan” ở đó! Glenarvan điện báo về Melbourne và được trả lời rằng tàu “Duncan” đã rời bến ngày mười tám trong tháng, hướng đi thì họ không biết.
Glenarvan cho rằng đoàn thuỷ thủ dũng cảm của ông đã sa vào tay Ben Joyce, còn “Duncan” thì trở thành tàu cướp biển.
Nhưng Glenarvan vẫn không từ bỏ những cuộc tìm kiếm. Đó là một con người dũng cảm và cao thượng. Ông đã lần theo dọc vĩ tuyến 37 mà không thấy thuyền trưởng Grant, nhưng đến bờ biển phía đông New Zealand, thật hết sức ngạc nhiên và nhờ trời phù hộ, ông đã tìm lại được tàu “Duncan” đợi ông ở đó năm tuần nay.
Thế là Glenarvan lại bước lên tàu “Duncan” – trên ấy có cả Ayrton. Hắn được dẫn đến gặp Glenarvan. Ông muốn hỏi dò tên sát nhân xem hắn có biết gì về số phận của thuyền trưởng Grant không. Ayrton từ chối trả lời. Glenarvan cảnh cáo hắn rằng, đến cảng đầu tiên ông sẽ trao hắn cho nhà đương cục Anh.
Lúc đầu hắn làm thinh, nhưng cuối cùng đã hứa kể cho Glenarvan nghe toàn bộ câu chuyện với điều kiện không trao hắn cho các nhà đương cục Anh, mà cho hắn lên một trong những hòn đảo ở Thái Bình Dương. Glenarvan đồng ý, bởi vì ông sẵn sàng làm tất cả, miễn là biết được điều gì đấy về số phận của thuyền trưởng Grant.
Đến đây Ayrton đã kể lại cuộc đời của hắn và thừa nhận rằng từ khi hắn bị đưa lên biển Australia, hắn không biết gì về thuyền trưởng Grant cả.
Tuy nhiên, Glenarvan đã giữ lời hứa. “Duncan” vẫn đi tiếp, và một đêm nọ, họ đã phát hiện ra đảo Tabor. Ayrton được mọi người để lại trên đảo này. Và chính ở đây, nơi hòn đảo nằm trên vĩ tuyến 37 này đã xảy ra một sự trùng hợp ngẫu nhiên, hoá ra thuyền trưởng Grant và hai thuỷ thủ của ông ta đang ở trên đó. Tên tội phạm phải thế chỗ cho họ và ở lại trên hoang đảo này. Khi hắn rời tàu “Duncan”, Glenarvan đã dặn dò hắn như sau:
- Ayrton, ngươi sẽ bị tách biệt khỏi thế giới loài người, nhưng chúng ta sẽ không quên ngươi đâu. Trí nhớ sẽ không bao giờ phản bội ta.
Và “Duncan” nhổ neo, chẳng bao lâu biến mất khỏi tầm nhìn của Ayrton.
Việc ấy đã xảy ra vào ngày 18 tháng 3 năm 1855. Ayrton ở lại một mình, đã phải lủi thủi sống lay lắt những ngày dài lê thê và chuộc lại những tội ác do hắn gây ra.
Hắn đã tự sám hối, lương tâm cắn rứt không để hắn yên, hắn đã quyết định nếu một ngày kia có người tìm đến với hắn. Hắn sẽ trở lại thế giới loài người với một con người khác và sẽ sống lương thiện.
Ayrton đã sống như vậy hai, ba năm, nhưng sự cô đơn giày vò hắn, và hắn không rời mắt khỏi chân trời, hi vọng nhìn thấy một con tàu.
Nhưng rõ ràng là trời vẫn muốn trừng phạt đầy đủ kẻ bất hạnh, bởi vì hắn đã bắt đầu nhận thấy rằng hắn đang biến thành người man rợ. Cuối cùng, kẻ bị trục xuất đã đánh mất hết mọi tư cách con người, trở thành một sinh vật như các ông đã tìm thấy hắn!
Cyrus Smith và các bạn của ông đã đứng lặng nghe hết lời tự thú ấy. Khó mà diễn tả được lời tự thú đó làm cho họ xúc động như thế nào! Họ đã thấy nỗi xót xa đau khổ, tuyệt vọng ấy chan chứa sự chân thành biết bao!
- Ayrton – Cyrus Smith nói một cách trang nghiêm – anh đã là một tên tội phạm thâm căn cố đế nhưng tôi tin rằng đức chúa trời đã tha thứ cho anh mọi tội lỗi! Và để chứng tỏ sự độ lượng của mình. Người đã cho anh trở lại với thế giới loài người. Anh đã được xá tội, Ayrton! Anh hãy nói xem, anh có muốn trở thành bạn bè của chúng tôi không?
Ayrton giật bắn người.
- Chúng ta hãy bắt tay nhau! – viên kỹ sư nói.
Ayrton lao đến Cyrus Smith, bắt chặt tay ông, và từ đôi mắt của anh ta trào ra những dòng lệ nóng hổi.
- Bây giờ anh đồng ý sống cùng chúng tôi chứ? – Cyrus Smith hỏi.
- Thưa ngài Smith, - Ayrton trả lời – tốt hơn là hãy cho tôi sống một mình ở khu chăn nuôi ít lâu.
- Tùy anh, Ayrton! – Cyrus Smith trả lời.
Ayrton đã định đi ra, nhưng viên kỹ sư giữ anh ta
http://truyen.fullf.net  
 

Hòn Đảo Bí Mật ~ Chương 7 - 8 - 9 - 10

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 Similar topics

-
» Yêu và hận chương 8
» Hòn Đảo Bí Mật ~ Chương 1
» Yêu và hận chương 4
» Hòn Đảo Bí Mật ~ Chương 2
» Hòn Đảo Bí Mật ~ Chương 3
* Viết tiếng Việt có dấu, là tôn trọng người đọc.* Chia sẻ bài sưu tầm có ghi rõ nguồn, là tôn trọng người viết.* Thực hiện những điều trên, là tôn trọng chính mình.
-Nếu chèn smilies có vấn đề thì bấm A/a trên phải khung viết bài

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
Truyện 12 chòm sao :: Lớp học văn :: Gian truyện sưu tầm :: Hòn đảo bí mật!-